Không hào nhoáng, không được trang trí đèn chùm hay đồ đạc sang trọng, nhưng các nhà kho lại đang trở thành tài sản hot trên khắp thế giới.
Tuy nhiên tại sao lại có điều này? Một lý do đơn giản là vì các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ, đang hết chỗ chứa các sản phẩm trong bối cảnh việc mua sắm online bùng nổ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, giá trị thị trường mua sắm trực tuyến ước tính đã tăng 43,5%, đạt 2,87 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Trong đó, gần một nửa đến từ châu Á.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây rối loạn trong nhiều tháng. Đằng sau nó là một chuỗi gián đoạn mọi thứ từ các nhà máy, ngành vận tải biển ở châu Á, Mỹ và Anh, thậm chí cả tình trạng thiếu tài xế xe tải.
Chính những điều này đã khiến các nhà kho trên toàn cầu được tận dụng tối đa công suất, với tỷ lệ trống thấp kỷ lục. Châu Á là thị trường rộng lớn, cửa ngõ giao thương của nhiều khu vực nên việc này có ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Henry Chin từ công ty tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE, tỷ lệ trống hiện tại ở châu Á là khoảng 3%, mức thấp lịch sử. “Nhu cầu tăng cao được thúc đẩy bởi thương mại điện tử và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra có nghĩa là các công ty muốn nắm giữ nhiều hàng nhất có thể”, ông Henry Chin cho biết.
Để thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng, các công ty như RedMart, một trong những cửa hàng tạp hóa trực tuyến lớn nhất Singapore, đã yêu cầu sử dụng kho hàng lớn hơn và ngày càng phụ thuộc vào tự động hóa.
Richard Ruddy, Giám đốc mảng bán lẻ của Lazada, công ty mẹ của RedMart, cho biết: “4 – 5 năm trước, chúng tôi nhận thấy rằng kinh doanh trực tuyến và doanh số bán hàng tạp hóa sẽ tăng lên. Trong 12 tháng qua, kể cả đại dịch, thị trường trực tuyến ở Singapore đã tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là khoảng gấp đôi so với 12 tháng trước đó. Vì vậy, kho hàng lớn ở đây đã giúp chúng tôi đáp ứng một phần nhu cầu đó”.
Tại bất kỳ thời điểm nào, RedMart cũng có khoảng 10.000 sản phẩm trong kho chứa. Chu kỳ được đặt ra là bán hết hàng trong ba ngày rồi sau đó được tăng cường thêm các hàng hóa mới.
Không có gì ngạc nhiên khi công ty sử dụng dữ liệu để biết chính xác họ cần bao nhiêu sản phẩm cùng một lúc, còn tự động hóa cho phép công ty tận dụng tối đa từng diện tích trong nhà kho. Điều đó có nghĩa là RedMart chỉ cần thuê thêm 200 công nhân để vận hành cơ sở với diện tích lớn hơn, việc này rất quan trọng vào thời điểm thiếu hụt nhân lực.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của CBRE, hơn 3/4 công ty sử dụng kho bãi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ muốn mở rộng diện tích trong ba năm tới, qua đó báo hiệu nhu cầu về không gian kho bãi sẽ tiếp tục tăng.
Với sự tăng trưởng về nhu cầu, các kho hàng dường nưh được thiết lập để hướng đến sự tự động hóa cao hơn. “Điều này được nhìn thấy rõ ràng nhất ở Hong Kong, nơi có nhà kho cao tới 20 tầng vì quỹ đất hạn chế, được sử dụng cho mục đích công nghiệp. Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta sẽ thấy các công trình từ 3 đến 5 tầng, tăng cường các cơ sở hậu cần để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí”, tiến sĩ Henry Chin nhận định.
Nguồn: Cafeland
---------------------
KCN HÒA BÌNH – VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP
Địa chỉ: Ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An
Hotline: 0947 068 768
Email: nhung.nth@hbip.vn
Website: www.hbip.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/hbip.vn
Zalo Official: https://zalo.me/4223190614423275354